0

Bác sĩ tâm lý mách bạn cách giảm căng thẳng ngay lập tức (phần 1) | Safe and Sound

Trong cuộc sống, những tình huống bất ngờ đôi khi sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, căng thẳng, chẳng hạn như công việc gặp vấn đề, thi cử bị điểm thấp, chuyện tình cảm không thuận lợi,... Những lúc cảm thấy căng thẳng, lo âu, nếu không biết cách kiểm soát thì bạn sẽ trở nên cáu gắt, khó chịu và tinh thần mệt mỏi. Hãy cùng bác sĩ tâm lý của Safe and Sound tìm hiểu một số mẹo để giảm căng thẳng ngay tức thì!

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Hít thở sâu

Hít thở sâu là một trong các liệu pháp thư giãn hữu hiệu mà bác sĩ tâm lý khuyên bạn áp dụng ngay khi cảm thấy căng thẳng, lo âu. Các bác sĩ tâm lý cho biết, khi bạn rơi vào trạng thái stress sẽ khiến cho nhịp tim gia tăng, điều này làm giảm lượng oxy bên trong cơ thể. Lúc này bạn sẽ dễ cảm thấy mệt mỏi, hơi thở trở nên khó khăn hơn. Vì thế, cách tốt nhất để giữ được bình tĩnh và điều hòa tâm trạng chính là hít thở thật sâu và nhẹ nhàng.

Theo bác sĩ tâm lý, việc hít thở sâu và đều sẽ giúp cơ thể được dung nạp lượng oxy cần thiết để giảm bớt tình trạng khó thở, lo âu do stress gây ra. Đặc biệt hơn, khi lượng oxy gia tăng sẽ hỗ trợ kích thích não bộ để tinh thần được tỉnh táo hơn.

Ảnh 1: Hít thở sâu

Cách giúp bạn hít thở sâu hiệu quả:

  • Một tay đặt lên bụng, tay còn lại đặt lên ngực để có thể cảm nhận rõ nhịp .
  • Thả lỏng cơ thể và ngồi thẳng lưng.
  • Hít vào một hơi thật sâu và chậm rãi đến khi cảm nhận được bụng căng lên.
  • Sau đó từ từ thở nhẹ nhàng ra ngoài để hơi thở hoàn toàn được giải phóng.
  • Lặp lại động tác này khoảng 10 lần sẽ thấy tinh thần sảng khoái hơn, tình trạng căng thẳng cũng được thuyên giảm.

2. Massage bàn tay

Từ xưa đến nay, massage là một trong các biện pháp thường được áp dụng nhằm mục đích giảm đau, đả thông kinh mạch để tăng cường sức khỏe. Cho đến ngày nay, phương pháp này đã được bác sĩ tâm lý sử dụng rộng rãi trong việc thư giãn, hỗ trợ giảm căng thẳng, lo âu, điều hòa quá trình lưu thông máu cho cơ thể.

Trong một số nghiên cứu bác sĩ tâm lý đã nhận thấy rằng, việc massage bàn tay là một cách hữu hiệu giúp giảm nhanh các triệu chứng căng thẳng, lo âu,… Bên cạnh đó, nếu áp dụng cách này thường xuyên còn có thể phòng tránh được tình trạng đau nhức bàn tay và các ngón tay, đồng thời ngăn ngừa chứng đau đầu, buồn nôn.

Ảnh 2: Massage các ngón tay

Để có thể áp dụng biện pháp massage bàn tay thì bạn cần phải nắm chặt các ngón tay lại với nhau ít nhất 60 giây. Sau đó thực hiện các động tác:

  • Massage ngón tay cái để giúp giảm nhanh tình trạng căng thẳng, lo lắng.
  • Massage ngón tay trỏ giúp giảm sợ hãi, lo âu.
  • Massage ngón tay giữa giúp giảm sự tức giận, làm dịu tâm trí.
  • Massage ngón tay áp út nhằm giải phóng các năng lượng tích cực và hạn chế các cảm xúc tiêu cực.
  • Massage ngón tay út giúp bạn tự tin hơn.
  • Massage lòng bàn tay giúp tăng lưu thông máu lên não.

3. Nghỉ ngơi vài phút

Thông thường, tình trạng căng thẳng hay xuất hiện nếu bạn làm việc quá sức, gặp phải áp lực trong học tập, cuộc sống hoặc đứng trước những sự kiện quan trong sắp xảy ra. Bác sĩ tâm lý cho biết, lúc này, não bộ sẽ chịu một sức ép rất lớn khiến cho cả cơ thể mệt mỏi, lo âu, không có sức sống. Nếu cứ cố gắng tiếp tục thì không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn khiến cho bạn không thể hoàn thành tốt công việc của mình.

Ảnh 3: Nếu cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi bạn hãy ngừng công việc và nghỉ ngơi vài phút

Vì thế, bác sĩ tâm lý khuyến nghị, cách tốt nhất là bạn nên tạm dừng mọi việc lại và nghỉ ngơi trong khoảng vài phút. Lựa chọn một không gian yên tĩnh để có thể chợp mắt một lúc cũng giúp bạn giảm bớt sự căng thẳng, lo âu và ổn định tinh thần hơn. Bạn cũng nên kết hợp với việc hít thở sâu và uống một ít nước ấm để lấy lại năng lượng tốt hơn.

4. Đứng dậy và đi dạo xung quanh

Theo bác sĩ tâm lý, trong trạng thái căng thẳng, lo âu, bạn thường khó kiểm soát cảm xúc của mình nên dễ tức giận với tất cả mọi thứ, mọi người xung quanh. Để tránh các tình huống mà ngôn từ hay hành động của bạn có thể làm tổn thương những người xung quanh thì bạn hãy đứng dậy và đi dạo ở những nơi thoáng đãng như ban công, sân thượng hay đi bộ ngoài trời, sẽ giúp cảm xúc của bạn được cân bằng lại ngay sau đó.

Ảnh 4: Đi dạo xung quanh giúp cảm xúc của bạn sẽ được dịu lại

Bác sĩ tâm lý cũng cho biết, đi bộ, đặc biệt nếu đi vào buổi tối có thể tăng sản sinh các hormone Endorphins, Serotonin và Dopamin rất tốt cho tâm trí, nhất là với những người đang bị căng thẳng, lo âu. Mặt khác, bác sĩ tâm lý nhấn mạnh, việc được hít thở không khí trong lành ở những nơi có nhiều cây xanh cũng giúp bạn giảm stress căng thẳng ngay tức thì, cảm thấy trong lòng bình yên và vui vẻ hơn, công việc sẽ hiệu quả hơn.

5. Nghe nhạc

Âm nhạc luôn mang đến rất nhiều tác động tích cực cho não bộ và tâm trí, điển hình nhất chính là khả năng làm giảm căng thẳng, lo âu tức thì. Theo các bác sĩ tâm lý, các tiết tấu và giai điệu trong mỗi bài hát có khả năng giúp tái tạo tế bào thần kinh, điều hòa nhịp tim, hơi thở nên có thể xoa dịu trái tim, não bộ đang bị kích thích.

Ảnh 5: Hòa mình với âm nhạc sẽ loại bỏ nhanh chóng những cảm xúc tiêu cực trong tâm trí

Bác sĩ tâm lý cho biết, tùy theo sở thích hay gu âm nhạc mà bạn có thể chọn các bài nhạc nhẹ nhàng hay sôi động. Nếu không gian cho phép bạn hãy tập trung và hòa mình vào âm nhạc, lắng nghe giai điệu để hát theo hay thậm chí là nhảy theo tiếng nhạc. Những năng lượng tiêu cực sẽ được giải phóng và giúp bạn cảm thấy vui vẻ, hứng khởi.

: Bác sĩ tâm lý mách bạn cách giảm căng thẳng ngay lập tức (phần 1) | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound